Về điều kiện tách thửa đối với tổ chức, trước đây, quy định tổ chức khi tách thửa theo dự án đầu tư thì thửa đất phải phù hợp với quy hoạch chi tiết, bản vẽ tổng mặt bằng kèm theo nội dung thiết kế cơ sở của dự án (với dự án không phải lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 theo quy định xây dựng).
Trong khi đó, Quyết định 44 mới ban hành quy định tổ chức khi tách thửa đất theo dự án đầu tư thì chỉ cần phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt.
Bên cạnh đó, quy định hạ tầng kỹ thuật dự án phải được nghiệm thu, đủ điều kiện đưa vào sử dụng trước khi thực hiện thủ tục tách thửa vẫn được giữ nguyên.
Về diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất, Quyết định 44 cũng có nhiều thay đổi.
Nếu như trước đây, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chia đất ở thành 2 trường hợp, là đất ở có nhà ở thể hiện trên giấy tờ và đất ở chưa xây dựng nhà ở hoặc nhà ở không có đầy đủ giấy tờ, để quy định diện tích tối thiểu được tách thửa lần lượt từ 36m2 và từ 60m2.
Thì nay, Quyết định 44 quy định chung diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở tại khu vực thuộc phường, thị trấn và huyện Côn Đảo là 60m2, có cạnh tiếp giáp đường giao thông do Nhà nước quản lý không nhỏ hơn 5m và chiều sâu thửa đất không nhỏ hơn 5m. Tại địa bàn các xã còn lại, diện tích tối thiểu tách thửa đất ở từ 80m2.
Diện tích tối thiểu tách thửa đối với đất thương mại dịch vụ và đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp vẫn được giữ nguyên, từ 100m2 trở lên.
Với đất nông nghiệp, Quyết định 44 quy định nếu đất trồng lúa thuộc khu vực quy hoạch đất nông nghiệp thì diện tích tối thiểu được tách thửa tại các phường, thị trấn thuộc các huyện, thị xã, thành phố và huyện Côn Đảo là 500m2. Tại địa bàn các xã còn lại là 1.000m2.
Nếu đất nông nghiệp thuộc khu vực quy hoạch đất ở, đất thương mại dịch vụ hoặc đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp thì các thửa đất sau khi tách phải đảm bảo diện tích tối thiểu như trên và phải có ít nhất một cạnh tiếp giáp với đường giao thông do Nhà nước quản lý.
Quy định cũ không quy định kích thước của cạnh tiếp giáp với đường giao thông khi tách thửa đất nông nghiệp tại khu vực quy hoạch các loại đất khác. Nhưng nay, Quyết định 44 quy định kích thước cạnh tiếp giáp đường giao thông không nhỏ hơn 5m.
Tháng 12/2013, UBND tỉnh Lâm Đồng có quyết định thu hồi đất và cho Công ty Lê Thuỳ thuê đất, thuê rừng để triển khai dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Đồi Xanh.
Đến tháng 5/2021, Công ty Lê Thuỳ được cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng 1.300m2 đất từ đất lâm nghiệp không có rừng sang đất thương mại, dịch vụ để thực hiện dự án.
Tháng 6/2023, Sở NN&PTNN tỉnh Lâm Đồng đã thẩm định hiện trạng tài nguyên rừng năm 2023 trên diện tích đầu tư xây dựng dự án Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Đồi Xanh.
Qua rà soát, so sánh biến động hiện trạng tài nguyên rừng năm 2020 và năm 2023, Sở NN&PTNN phát hiện trên diện tích đất do Công ty Lê Thuỳ thuê thì tổng diện tích đất rừng bị giảm 1.200m2.
Trong đó, có 500m2 là rừng phòng hộ môi trường cảnh quan và 700m2 là đất thương mại, dịch vụ đã chuyển đổi theo quyết định vào tháng 5/2021.
Theo báo cáo của Hạt kiểm lâm Đà Lạt, thời điểm mất 1.200m2 rừng tại dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Đồi Xanh diễn ra từ tháng 3/2021 đến tháng 4/2021.
Giải thích lý do để mất diện tích rừng nói trên, Công ty Lê Thuỳ cho biết đây là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Do công ty thực hiện các biện pháp phòng dịch nên công tác tuần tra, kiểm tra rừng chưa được chặt chẽ, chưa phát hiện kịp thời.
Sau đó, khoảng tháng 4/2021, Công ty Lê Thuỳ mới phát hiện mất rừng đã tiến hành kiểm tra nhưng không phát hiện đối tượng vi phạm.
Ngoài kiến nghị được tiếp tục đầu tư dự án, Công ty Lê Thuỳ cam kết bồi thường đối với diện tích 1.200m2 rừng bị mất theo hợp đồng thuê rừng đã ký kết khi cơ quan thẩm quyền tính toán giá trị thiệt hại.
Cụ thể, với diện tích 500m2 rừng phòng hộ môi trường cảnh quan, công ty kiến nghị được trồng lại trong mùa mưa năm nay. Còn với 700m2 rừng thuộc diện tích đã được chuyển mục đích sử dụng, công ty đề xuất được nộp tiền trồng rừng thay thế.
Liên quan đến dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Đồi Xanh, tháng 10/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị UBND tỉnh chấp thuận chủ trương ngừng hoạt động dự án.
Đề nghị này xuất phát từ việc Công ty Lê Thuỳ không thực hiện đúng nội dung giấy chứng nhận đầu tư, dự án chậm tiến độ. Dù đã được gia hạn tiến độ và gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng nhiều lần nhưng chủ đầu tư tiếp tục để xảy ra vi phạm chậm tiến độ dự án.